Kinh nghiệm lắp đặt camera giám sát cho ngôi nhà của bạn

Thứ tư - 24/01/2024 22:04
Kinh nghiệm lắp đặt camera giám sát cho ngôi nhà của bạn
Capture
Capture

Kinh nghiệm lắp đặt camera giám sát cho ngôi nhà từ A đến Z

Lắp đặt camera cho ngôi nhà thì hiện nay có rất nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ lắp camera trên thị trường. Tuy nhiên, cũng chính vì thế đôi khi việc tìm kiếm một đơn vị có kinh nghiệm thi công camera cho ngôi nhà thực tế là điều không hề dễ dàng, đặc biệt đối với các anh chị không có nhiều kiến thức chuyên môn ở lĩnh vực này.

Kinh nghiệm chung khi lắp đặt camera cho ngôi nhà

1. Kinh nghiệm khi đi dây âm cho hệ thống camera tại nhà (đi dây âm tường, âm trần)

Rất nhiều ngôi nhà có giá trị cao, đòi hỏi tính thẩm mỹ của hệ thống điện và dây tín hiệu cần phải đi dây âm tường.

Trên thực tế nhiều gia chủ lại “phó thác” việc đi dây camera cho các “thợ điện” – những người không thực sự có khả năng tư vấn về hệ thống dây âm tường cho camera, dẫn đến một số tình huống “khó xử” như:

  • Đi không đúng loại dây tín hiệu, đi thiếu dây nguồn, đi sai dây cáp đồng trục, cáp mạng…
  • Đi dây sai vị trí dẫn đến camera bị che tầm nhìn hoặc lọt vào các góc khuất.

Và kết quả là để “sửa sai” cho hệ thống dây âm này, chỉ còn cách đi dây nổi.

Kinh nghiệm: tìm 1 dịch vụ camera đến khảo sát tận nhà để tư vấn, đi dây ngay từ đầu.

2. Sai lầm khi chọn loại camera sai chức năng

Nhiều tình huống camera trong nhà được thiết kế ngoài trời và ngược lại, dẫn đến việc camera dễ gặp sự cố sau một vài tháng hoạt động.

Một số kinh nghiệm chọn camera cho nhà:

  • Ưu tiên chọn Camera IP: khác với camera analog (công nghệ tín hiệu tuần tự) đã lỗi thời, camera ip là các dòng camera thế hệ mới được tích hợp rất nhiều tính năng quan trọng để cho hình ảnh sắc nét hơn, khả năng quan sát hồng ngoại và các chức năng chống nhiễu, chống ngược sáng cũng được cải tiến mạnh mẽ hơn.
  • Ngoài ra, camera ip còn hỗ trợ các tính năng cao cấp: chống nhiễu 3D-DNR (chống hình ảnh bị mờ, nhiễu), công nghệ nhận dạng chuyển động, phòng chống báo động khi có đột nhập được chính xác hơn.
  • Khoảng cách hồng ngoại: là khả năng phát sáng của đèn hồng ngoại trên camera được bao xa, có ảnh hưởng đến khoảng cách mà bạn cần quan sát vào ban đêm (khi đèn hồng ngoại tự bật sáng).
  • Góc nhìn của camera, quyết định độ bao phủ của vùng hình ảnh cần quan sát.
  • Độ phân giải: quyết định chất lượng hình ảnh mà bạn cần xem lại hoặc xem trực tiếp thời gian thực.

3. Sai lầm khi chọn vị trí đặt camera

Vị trí camera có ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh và khung hình quan sát. Một số kinh nghiệm khi chọn vị trí lắp camera cho ngôi nhà:

  • Chọn các vị trí dễ quan sát hướng ra hoặc vào của mọi người.
  • Nếu lắp camera trong nhà cần quan sát vị trí cửa ra vào, nếu lắp camera ngoài trời cần quan sát cổng chính và lối vào bên trong nhà.
  • Tránh các vị trí bị chói sáng, ngược nắng và ngược lại quá tối (dẫn đến việc camera không thấy

4. Hãy ưu tiên chọn lắp camera có dây

Trong một số tình huống bất khả kháng không thể đi dây thì bạn hãy nên cân nhắc phương án dùng camera wifi. Vì nhược điểm rất lớn của kết nối wifi là tín hiệu thường dễ bị mất ổn định, đôi khi nghẽn mạng wifi sẽ làm hệ thống camera bị tê liệt hoàn toàn.

Trong hầu hết các tình huống, theo kinh nghiệm các bạn hãy nên chọn camera loại có đi dây để thi công. Hệ thống dây sẽ mất thời gian & chi phí để thi công, tuy nhiên hệ thống camera có dây luôn đảm bảo sự đồng bộ giữa các thiết bị. Tín hiệu kết nối luôn được đảm bảo sự ổn định và an toàn.

Ngoài ra, hệ thống camera có đi dây luôn được truyền tín hiệu hình ảnh về đầu ghi trung tâm – nơi đây bạn có thể xem camera tập trung với băng thông mạnh, nhanh và có thể lưu trữ trong thời gian dài. Khi cần xem lại bạn có thể truy xuất dữ liệu hình ảnh từ ổ cứng (bên trong đầu ghi), đảm bảo an toàn.

Kinh nghiệm lắp đặt camera giám sát cho ngôi nhà từ A đến Z

 

Kinh nghiệm lắp đặt camera cho nhà chuẩn bị xây, đang xây hoặc vừa mới xây xong

 

1. Kinh nghiệm lắp đặt camera cho NHÀ CHUẨN BỊ XÂY DỰNG

Với các ngôi nhà chuẩn bị xây thì đây là thời điểm lý tưởng để lên kế hoạch cho một hệ thống camera hoàn chỉnh, đặc biệt là đối với các ngôi nhà cần thi công hệ thống dây âm tường.

Ngoài ra đối với những ngôi nhà cần gắn hệ thống báo trộm, báo cháy, báo chống đột nhập… thì cũng cần lên kế hoạch đi dây chờ sẵn ở giai đoạn này.

Dưới đây là một số kinh nghiệm mà khách hàng cần chuẩn bị trước khi thi công camera cho ngôi nhà:

  • Những vị trí nào là trọng yếu, yếu điểm của ngôi nhà cần có sự quan sát hỗ trợ của hệ thống camera ? Ví dụ: Bãi để xe, cổng ra vào, lối đi chính, cửa chính, cửa hậu, ban công, hành lang, sân thượng…
  • Vị trí dự kiến sẽ lắp đặt đầu ghi hình và màn hình quan sát camera? (Nên lắp đặt gần với modem wifi internet của nhà mạng).
  • Bạn chọn loại camera IP (công nghệ mới) hay camera Analog (công nghệ cũ). Mỗi loại camera sẽ có phương án đi dây và loại dây & các thiết bị hoàn toàn khác nhau.
  • Dự kiến các vị trí đi dây chờ sẵn để mở rộng về sau.
  • Vị trí các ống máng điện, các lỗ thông tầng, hộp gen thông tầng… (để xác định các trục chính khi đi dây camera).

Ghi chú:

  • Dựa trên kinh nghiệm, các đơn vị thi công camera chuyên nghiệp sẽ khảo sát và tư vấn cách lắp camera ở nhà phù hợp nhất.
  • Bên cạnh đó, khách hàng nên cung cấp bản vẽ thiết kế ngôi nhà (nếu có) để bên thi công camera có sự tư vấn & lên phương án đi dây trong nhà sao cho hợp lý, đảm bảo thẩm mỹ nhất.

một số vị trí lắp đặt camera

Quy trình triển khai thi công camera cho nhà chuẩn bị xây dựng:

1. Khảo sát yêu cầu, các vị trí quan trọng cần quan sát, xem bản vẽ thiết kế xây dựng, điện & chiếu sáng…

2. Tư vấn, thiết kế và báo giá

Giai đoạn tư vấn và thiết kế hệ thống này tương đối quan trọng. Để đảm bảo chắc chắn, bạn (chủ nhà) cần thống nhất rõ với bên thi công những vấn đề sau đây:

  • Chốt số lượng camera và vị trí cần lắp camera cho ngôi nhà. Vị trí đặt các switch (bộ chia tín hiệu mạng).
  • Vị trí gắn đầu ghi và màn hình quan sát camera an ninh.
  • Phương án đi dây của từng camera sao cho đảm bảo thẩm mỹ, ưu tiên đi dây âm trần, và đi theo các lỗ thông tầng của căn nhà.

3. Ký hợp đồng thi công camera trọn gói cho nhà.

4. Thi công hệ thống camera

Kinh nghiệm triển khai thi công camera cho nhà chuẩn bị xây dựng

Sau khi nhà đã hoàn thiện phần thô hoặc sau khi đi dây điện & hệ thống chiếu sáng là giai đoạn có thể tiến hành đi dây cho hệ thống camera an ninh. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, quá trình triển khai thi công thường chia thành 03 giai đoạn chính:

Giai đoạn 1 (sau khi nhà đã hoàn thiện phần thô):

  • Đi dây chờ gồm dây tín hiệu (dây cáp mạng hoặc cáp đồng trục và cáp nguồn) cho hệ thống camera sau khi nhà đã hoàn thiện phần thô.

Giai đoạn 2 (trong giai đoạn nhà đang đóng trần thạch cao):

  • Đục lỗ trần thạch cao và moi các đầu dây chờ sẵn khi chủ nhà đang trong giai đoạn đóng trần thạch cao.
  • Điều chỉnh những vị trí cần thiết (do phát sinh trong khi xây dựng).

Giai đoạn 3 (sau khi nhà đã sơn nước hoàn thiện và đã lắp hệ thống mạng internet):

  • Lắp đặt cố định vị trí camera, đầu ghi, màn hình quan sát. Lắp đặt các switch và đấu nguồn.
  • Đấu nguồn và kết nối hệ thống camera và lên hình, chỉnh góc camera.
  • Kết nối đầu ghi với mạng internet. Cấu hình xem camera trên điện thoại từ xa.
  • Yêu cầu đơn vị thi công hướng dẫn sử dụng hệ thống, cách xem lại camera khi có sự cố.

Ngoài các giai đoạn chính như trên thì trong quá trình xây dựng, gia chủ còn có thể đổi phương án xây dựng làm ảnh hưởng đến cách đi dây và vị trí bố trí camera nên có thể cần đơn vị thi công điều chỉnh lại hệ thống dây từ 1-2 lần.

2. Kinh nghiệm lắp đặt camera cho ngôi NHÀ ĐANG XÂY DỰNG

Kinh nghiệm lắp đặt camera giám sát cho ngôi nhà từ A đến Z

Nếu đang trong quá trình thi công xây dựng nhưng bạn lại có ý định bổ sung hệ thống camera, thì đây cũng là giai đoạn rất thích hợp.

Dưới đây là những kinh nghiệm lắp camera cho ngôi nhà đang trong quá trình xây dựng:

  1. Gọi ngay cho đơn vị tư vấn (có kinh nghiệm) đến để yêu cầu khảo sát và tư vấn ngay tại chỗ phương án đi dây, vị trí đặt camera, đầu ghi… Việc này có ý nghĩa khá quan trọng vì một khi đã lắp trần thạch cao thì rất khó để đi dây âm trần, đảm bảo thẩm mỹ cho ngôi nhà.
  2. Yêu cầu báo giá, ký hợp đồng.
  3. Yêu cầu triển khai ngay giai đoạn 1 (đi dây tín hiệu và dây nguồn) cho hệ thống camera. Lưu ý: việc đi dây trong các ống nhựa hoặc ống ruột gà là cần thiết nhằm đảm bảo tuổi thọ cho công trình và cần có sự đồng bộ, nhất quán với hệ thống điện & chiếu sáng của ngôi nhà.

Các giai đoạn tiếp theo tương tự như phần kinh nghiệm triển khai thi công camera cho nhà chưa xây (tương tự giai đoạn 2, giai đoạn 3 ở phần trên).

Ghi chú:

  • Chủ nhà chỉ cần lưu ý đến giữa giai đoạn đóng trần thạch cao thì cần gọi cho đơn vị lắp camera xuống để moi dây chờ (tránh đóng bít trần về sau đi dây sẽ rất khó khăn).

3. Kinh nghiệm lắp đặt camera cho ngôi NHÀ MỚI XÂY XONG

Một số kinh nghiệm xương máu không khắc phục được khi nhà đã xây xong (không lắp được camera):

Tình huống của hệ thống dây camera hiện hữu:

  • Nhà đã đi dây camera âm trần nhưng không đúng chủng loại dây, đi thiếu dây nguồn => bắt buộc phải bỏ và đi lại dây nổi.
  • Đi dây âm trần bị thiếu về số lượng, dẫn đến không lắp đủ số camera cần quan sát an ninh => bắt buộc phải đi dây nổi bổ sung các vị trí thiếu.
  • Đi dây âm tường loại kém chất lượng => khi đấu nối hệ thống camera sẽ bị nhiễu tín hiệu => bắt buộc phải đi dây nổi thay thế.

Nguyên nhân hệ thống dây camera bị sai, không lắp đặt được:

  • Chủ nhà khi xây dựng phó thác trách nhiệm đi dây camera cho thợ điện (thợ điện thì thường thiếu năng lực và kinh nghiệm thi công camera), nên dẫn đến sai xót hoặc chủ quan.
  • Chủ nhà tin tưởng và phó thác trách nhiệm đi dây camera luôn cho thợ hồ (những người không am hiểu về công nghệ camera quan sát), nên dẫn đến chủ quan, thất trách.

Kết quả:

  • Hệ thống dây âm tường bị thiếu, đấu nối sai hoặc tệ hơn là không sử dụng được.
  • Phải đi dây nổi làm ảnh hưởng kiến trúc và thẩm mỹ căn nhà mới xây.
  • Ảnh hưởng đến tâm lý không thoải mái & cảm xúc khó chịu của chủ nhà.

Cách khắc phục:

  • Trước khi xây cần yêu cầu đơn vị tư vấn, thiết kế có kinh nghiệm lắp camera cho nhà đến tư vấn & thi công song song với quá trình xây dựng (như 03 giai đoạn trên).

Một số kinh nghiệm có thể khắc phục được (khi nhà đã xây xong)

Trong một số tình huống nhất định, thì nhà đã xây xong vẫn có thể đi dây camera âm tường, âm trần được. Việc này đòi hỏi một đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công camera cho nhà phố, rành rẽ về cấu trúc nhà, cách bố trí thông tầng, cách bố trí điện & chiếu sáng của hệ thống hiện hữu.

Ngoài ra chủ nhà nên yêu cầu sự hỗ trợ của đơn vị đi dây điện và chiếu sáng. Việc này rất có ý nghĩa để giúp đơn vị tư vấn có phương án đi dây camera âm trần tối ưu, đảm bảo thẩm mỹ cho ngôi nhà của bạn.

Kinh nghiệm khi đi dây camera âm trần, âm tường để tối ưu về thẩm mỹ (khi nhà đã xây xong):

  • Đi dây âm trần thông qua việc luồn tay vào các lỗ đèn bắt trên trần thạch cao.
  • Đi dây xuyên tường thông qua việc tiếp cận vào bla-phông trần, khoan tường phía trên bla-phông thông qua các vị trí khuất như trên trần toilet, nhà vệ sinh, các góc khuất…
  • Đi dây chui vào các hộp gen thông tầng (lỗ thông tầng) của căn nhà.
  • Đi dây ra phía bên ngoài (tường ngoài) để chạy dây và “chui tường” lại vào nhà tại các vị trí cần lắp camera.
  • Đi dây mồi “chui” vào các ống máng cáp, ống ruột gà âm tường, âm trần hiện hữu.
  • Đi dây vào các cạnh sê-nô, cạnh, gờ tường để tối ưu về mặt thẩm mỹ, đi dây dưới mái hiên, mái ngói, đi dây cặp theo các cột, trục đòn tay, cột-kèo nhà…

 

Kinh nghiệm lắp đặt camera nhà cao tầng

ví trí lắp camera thích hợp

1. Cách chọn vị trí lắp camera cho nhà cao tầng

Đối với nhà cao tầng thì có khá nhiều vị trí cần quan sát an ninh. Dưới đây chúng tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm chọn vị trí cần lắp camera giám sát cho nhà cao tầng:

  • Khu vực cổng chính (bên trong và bên ngoài).
  • Khuôn viên sân bên trong, khu vực đậu xe (bên trong hoặc bên ngoài).
  • Các lối đi mở có tiếp giáp ngoài trời (khu vực trộm cắp dễ xâm nhập).
  • Các cửa chính tại các tầng lầu, hành lang, ban công tầng lầu.
  • Sân thượng, cửa ra vào sân.
  • Cửa sau nhà (nếu có).
  • Giếng trời, các khu vực tường rào bằng kính (có thể lắp thêm hệ báo động chống vỡ kính).

Những vị trí nhạy cảm nhất của nhà cao tầng:

  • Cửa chính, cửa sau (nơi dễ bị đột nhập trực tiếp). Đặc biệt là các cửa gỗ lá xách, cửa kéo rất dễ bị đột nhập, cạy phá.
  • Cửa sân thượng (dễ bị đột nhập thông qua nhà kề bên).
  • Vị trí để xe máy.
  • Các ô cửa nhôm kính không có khung hàng rào sắt bảo vệ bên trong. Hoặc có nhưng lỏng lẻo.
  • Đặc biệt là các cửa sổ của nhà cao tầng là nơi rất dễ bị đột nhập do chủ nhà thường chủ quan đây là vị trí rất cao, kẻ gian khó tiếp cận (kinh nghiệm thực tế cho thấy đây là những nơi dễ tiếp cận nhất).
  • Cửa chính hoặc cửa sổ tại ban công các tầng lầu của tòa nhà cao tầng.
  • Hệ thống thông gió, cửa sổ thông gió hành lang.

2. Chọn thiết bị

Nhà cao tầng là một trong những loại hình dễ phát sinh thêm hoặc di dời camera.

Kinh nghiệm chọn thiết bị camera:

  • Camera: chỉ chọn các dòng camera IP có tính năng PoE (PoE – viết tắt chữ Power over Ethernet). Đây là các dòng camera thế hệ mới có cách đi dây đơn giản, gọn gàng, chỉ đi 1 sợi dây mạng duy nhất cho 1 camera (công nghệ PoE đã tích hợp vừa dây tín hiệu, vừa dây nguồn trên 1 sợi cáp mạng duy nhất).
  • Đầu ghi: ưu tiên chọn đầu ghi có hỗ trợ công nghệ nén hình ảnh mới nhất (làm giảm băng thông mạng, qua đó tăng tốc độ truy cập cho hệ thống camera). Chọn loại đầu ghi kết hợp switch có hỗ trợ công nghệ PoE để việc đi dây gọn nhẹ.
  • Switch: chỉ chọn các dòng switch PoE có công suất đảm bảo đủ phát cho toàn bộ hệ thống camera (quan trọng).
  • Lưu ý về thời gian lưu trữ của hệ thống camera (nên từ 15-30 ngày).
  • Nguồn: chọn các nguồn loại tốt, ưu tiên nguồn tổng (nguồn tổ ong).

Lưu ý:

  • Trong trường hợp không đủ kinh phí lắp camera IP PoE thì khách hàng nên yêu cầu đơn vị thi công sử dụng nguồn tổ ong để cấp nguồn 12V cho toàn bộ hệ thống camera nhằm đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ cho công trình (hạn chế đi dây nguồn 220V cho camera khá mất an toàn).

3. Phương án đi dây

Kinh nghiệm đi dây cho hệ thống camera cho nhà cao tầng:

  • Đi dây theo các lỗ thang máy hoặc các hộp gen thông tầng.
  • Đi dây âm trần, âm tường có ống nhựa bảo vệ (nếu có kinh phí nên đi dây trong ống nhựa cứng để đảm bảo độ bền và thẩm mỹ cho công trình).
  • Nên đi dây dự phòng cho những vị trí có thể mở rộng.
  • Lưu ý vị trí lắp đặt các switch (bộ chia tín hiệu) khi mở rộng hệ thống camera.

Lưu ý:

  • Theo kinh nghiệm lắp camera cho nhà của chúng tôi: vấn đề đi dây nguồn cho camera chúng ta nên hạn chế tối đa đi dây nguồn 220V đến trực tiếp camera để đảm bảo tính an toàn, phòng chống cháy nổ cho công trình (như chúng tôi đã đề cập ở phần trên).

4. Một số kinh nghiệm khác:

  • Các gia chủ có thể cân nhắc lắp thêm bộ lưu điện dự phòng cho toàn bộ hệ thống camera an ninh của ngôi nhà.
  • Ngoài ra khách hàng nên cân nhắc lắp bổ sung hệ thống báo động, báo trộm và báo cháy trung tâm để đề phòng một số tình huống khẩn cấp. Cân nhắc lắp bộ báo cháy, báo trộm có tính năng báo khẩn cấp qua số điện thoại di động của chủ nhà.
  • Nếu đã lắp hệ thống báo động: nên lắp còi hú và thiết lập chế độ cảnh báo định giờ vào ban đêm.

ví trí lắp camera thích hợp tại cửa hàng

Kinh nghiệm lắp camera nhà phố

Nhà phố (nhà mặt tiền, nhà mặt hẻm) là những ngôi nhà thường có đông khu vực người qua lại, mật độ dân cư cao. Vì vậy nhà phố cũng là một trong những vị trí thường dễ lọt vào tầm ngắm của kẻ gian, trộm cắp cần có biện pháp giám sát an ninh.

Ngoài ra, việc lắp camera an ninh cho nhà phố còn giúp chủ nhà quan sát được các sự kiện diễn ra bên trong ngôi nhà như: quan sát người thân, người giúp việc, con cái, quan sát người già…

Dưới đây chúng tôi xin được tổng hợp các kinh nghiệm triển khai camera cho nhà phố như sau:

1. Chọn vị trí gắn camera nhà phố phù hợp

Những vị trí chủ yếu:
  • Cổng rào, cổng chính.
  • Khu vực phía trước nhà, trước cổng.
  • Sân trong, nơi đậu xe.
  • Cửa sau (nếu có)
  • Các khu vực phòng ốc bên trong nhà phố (tùy theo nhu cầu cụ thể).

2. Chọn thiết bị camera

  • Nếu lắp camera IP: nên chọn các dòng camera IP có tích hợp tính năng cảnh báo chuyển động, kết hợp với phương án đi dây công nghệ PoE và đầu ghi PoE tương ứng để đảm bảo thẩm mỹ. Đồng thời hệ thống camera IP sẽ dễ dàng nâng cấp về sau.
  • Nếu lắp camera Analog: nên chọn các dòng camera Analog có chipset tốt (chipset Panasonic hoặc Sony) để hình ảnh được trung thực, sắc nét, đảm bảo có thể xem lại được rõ ràng khi có sự cố.
  • Đảm bảo đầu ghi và ổ cứng lưu trữ được ít nhất 15 ngày (tốt nhất từ 15-30 ngày).
  • Switch mạng PoE, bộ chia tín hiệu loại tốt. Vật tư (dây cáp, ống máng) kèm theo loại tốt.
  • Nguồn: nên sử dụng nguồn tổng 12V (nguồn tổ ong) để quản lý nguồn tập trung cho toàn bộ hệ thống camera (trong trường hợp không đủ kinh phí đi camera PoE).

3. Đi dây tín hiệu & nguồn camera cho nhà phố

  • Ưu tiên phương án đi dây tín hiệu PoE (tích hợp nguồn) cho toàn bộ hệ thống camera.
  • Ưu tiên các phương án đi dây âm trần, âm tường để đảm bảo thẩm mỹ cho hệ thống camera lắp cho nhà (cần một đơn vị có kinh nghiệm lắp camera cho nhà đến tư vấn tận nơi).
  • Đi dây theo các lỗ thông tầng (nếu nhà có nhiều tầng) hoặc tại các vị trí khuất. Trong trường hợp không thể đi bên trong có thể chui dây ra tường ngoài để đi trong ống nhựa cứng.

Ghi chú: trong mọi trường hợp thì chủ nhà đều nên yêu cầu đi dây trong ống điện (ống cứng, nẹp điện hoặc ống ruột gà chống cháy) để đảm bảo độ bền và tuổi thọ của dây. Ngoài ra việc này còn giúp đề phòng chuột bọ cắn phá dây (rất khó sửa chữa khi đã đi âm trần).

  • Đối với camera IP: đi dây cáp CAT6U hoặc CAT5U loại tốt (chỉ chọn thương hiệu có uy tín).
  • Đối với camera Analog: đi dây cáp đạt chuẩn RG6U loại tốt (chỉ chọn thương hiệu có uy tín). Tuyệt đối không dùng dây điện đi dây camera analog vì lâu dài sẽ làm tín hiệu bị nhiễu, sự cố và rất khó khắc phục.

 

Kinh nghiệm lắp đặt camera cho ngôi nhà biệt thự

Đối với loại hình nhà biệt thự, căn hộ dạng biệt thự, căn hộ có sân vườn, biệt thự nhiều tầng, village thì đa phần có nhiều khu vực “mở”, các khu vực rộng và thoáng ngoài trời. Về ban đêm hoặc khi gia chủ đi vắng thì đây là nơi rất dễ để kẻ gian đột nhập gây mất an toàn cho ngôi nhà của bạn.

1. Chọn vị trí khi lắp camera cho dạng nhà biệt thự

Kinh nghiệm xác định vị trí cần lắp camera cho nhà biệt thự:

  • Quan sát tổng thể: Vì biệt thự có khá nhiều không gian “mở” nên việc lắp đặt 01 camera quan sát “chung” là việc khá cần thiết. Tùy vào không gian chung rộng hay hẹp mà có thể lắp 01 hoặc 02 camera chéo nhau để bao quát toàn bộ khu vực của biệt thự.
  • Khu vực cổng: quan sát khuôn viên bên ngoài cổng (rào), khuôn viên lối đi bên trong cổng.
  • Các khu vực hành lang, lối đi xung quanh khuôn viên biệt thự.
  • Khu vui chơi, hồ bơi, cây cảnh, chim chóc… (các khu vực vui chơi, giải trí của người lớn hoặc trẻ em).
  • Khu vực bên trong tòa nhà biệt thự: cổng chính, lối đi nội bộ, bãi đậu xe máy, sân đậu xe ô-tô, cổng phụ (cổng sau), các hành lang, lối đi nội bộ.

Ghi chú:

  • Ngoài ra, do đặc điểm không gian rộng nên khi lắp camera khách hàng có thể cân nhắc lắp thêm hệ thống báo động chống đột nhập và tự động kích hoạt về đêm (cảnh báo đột nhập qua hàng rào tia hồng ngoại, cảnh báo chuyển động, cảnh báo mở cửa).
  • Có thể kết hợp với cảnh báo cháy, báo khói… và báo động tức thời qua sim điện thoại.

2. Chọn Camera IP & đi dây cáp mạng

Camera IP là dòng camera công nghệ mới, được tích hợp nhiều tính năng mới phù hợp khi quan sát cho dạng nhà biệt thự như:

  • Công nghệ PoE (truyền tín hiệu chung với nguồn): giúp tăng mức độ an toàn, phòng chống cháy nổ. Đảm bảo thẩm mỹ khi chỉ đi camera với 01 sợi dây duy nhất.
  • Hình ảnh có độ phân giải cao và màu sắc có độ trung thực tốt hơn (so với camera analog).
  • Được tích hợp các công nghệ thông minh trong xử lý hình ảnh như: tự động điều chỉnh chống nhiễu hình (công nghệ 3D-DNR), công nghệ chống ngược sáng WDR và các công nghệ nhận dạng chuyển động, nhận dạng đột nhập khác (khi cần người dùng có thể tự kích hoạt tính năng này).
  • Dễ nâng cấp về sau.
  • Chuẩn đi dây cáp mạng, phù hợp với nhiều loại thiết bị và công trình.

Ghi chú:

  • Trong trường hợp buộc phải lắp camera analog (do không đủ kinh phí hoặc đã đi dây âm tường là loại dây chỉ dành cho camera analog) thì khách hàng nên yêu cầu đơn vị tư vấn có kinh nghiệm lắp camera cho nhà để họ có phương án thi công sao cho đảm bảo vấn đề thẩm mỹ và an toàn nhất.
  • Đặc biệt hạn chế tối đa việc đi nguồn rời (nguồn 220V) cho từng camera mà chỉ nên đi 01 bộ nguồn tổng 12V cho toàn bộ hệ thống camera để đảm bảo an toàn.

3. Đối với những biệt thự chuẩn bị xây hoặc đang xây:

  • Khách hàng nên liên hệ ngay với đơn vị lắp camera có kinh nghiệm xuống tư vấn khảo sát tận nhà (phương án đi dây, thời gian đi dây kết hợp việc thi công phần thô như thế nào, thiết bị nào phù hợp, những điểm cần cấp nguồn để lắp đặt switch chia tín hiệu mạng…).
  • Phối hợp với bên thi công điện để đi dây camera chung hệ thống ống/máng cáp điện, đi chung hộp gen thông tầng biệt thự…
  • Đi ống nhựa bảo vệ dây tương thích với các loại ống điện của biệt thự…

(Xem thêm kinh nghiệm và các giai đoạn thi công camera cho nhà sắp xây dựng ở phần trên).

Ghi chú:

  • Nhìn chung, nhà biệt thự thường có kiến trúc nội thất cao cấp và đắt tiền. Vì vậy kinh nghiệm lắp camera cho nhà biệt thự là cần chọn các dòng camera có chất lượng tương xứng với công trình biệt thự, đồng thời cách đi dây phải đảm bảo mỹ quan cho toàn bộ kiến trúc của biệt thự.
  • Ngoài việc đi dây để lắp các camera hiện tại, quý khách hàng cũng nên chú ý các vị trí có thể phát sinh lắp thêm camera, lắp thêm bộ báo động chống trộm để có phương án đi dây chờ. Giúp việc kết nối thêm thiết bị có thể thực hiện dễ dàng trong tương lai.

 

Kinh nghiệm lắp camera nhà chung cư, căn hộ

Nhà chung cư thường chủ yếu dành cho đối tượng người đi làm (dân văn phòng) hoặc người lớn tuổi (cần sự yên tĩnh).

Nhìn chung nhà chung cư hầu hết đều khá an ninh vì có ban quản lý chung cư, có bảo vệ, có hầm giữ xe… Tuy nhiên đối với những bậc phụ huynh hoặc những người đi làm vẫn có nhu cầu lắp camera an ninh vì những mục đích như:

  • Quan sát an ninh cho ngôi nhà khi cả nhà đi làm hoặc đi vắng (nhà không có người ban ngày).
  • Quan sát trẻ em, quan sát người lớn tuổi ở nhà (đảm bảo vấn đề an ninh, an toàn).
  • Giám sát người giúp việc.
  • Cảnh báo an ninh cho ngôi nhà (khi có trộm cắp đột nhập): trường hợp trộm viếng nhà ca sỹ Nhật Kim Anh gần đây là một ví dụ điển hình cần có hệ thống cảnh báo an ninh cho nhà khi không có người ở nhà.

(Ngoài việc cảnh báo an ninh, chủ nhà còn có tùy chọn lắp thêm hệ thống báo khói, báo cháy khẩn cấp)

1. Kinh nghiệm xác định vị trí nên đặt camera giám sát cho căn hộ chung cư

nên lắp hệ thống báo trộm hay camera giám sát

Theo kinh nghiệm thi công camera cho căn hộ chung cư nhiều năm của DNTECH, dưới đây là các vị trí mà chủ nhà nên quan tâm cần có sự giám sát hoặc cảnh báo an ninh:

  • Vị trí cửa chính ra vào: nên lắp camera từ phía bên trong cửa nhìn ra ngoài, có thể quan sát vị trí lối ra vào. Camera này có thể bật chức năng cảnh báo chuyển động (khi đi vắng hoặc về đêm).
  • Cửa ban công, cửa hành lang của căn hộ chung cư: có thể lắp bên ngoài hoặc bên trong (camera kết hợp quan sát không gian bên trong).
  • Các vị trí cửa sổ: nếu là dạng cửa sổ mở dạng nhôm kính không có khung sắt bảo vệ thì nên có camera quan sát hoặc hệ thống báo động cảnh báo chống đột nhập.
  • Vị trí ban công hoặc loggia (gắn camera để quan sát phần tiếp giáp với không gian mở bên ngoài).
  • Phòng em bé, phòng con nít hoặc không gian sinh hoạt chung (bếp ăn, bàn ăn, khu vui chơi xem phim, giải trí…).
  • Phòng người già, người lớn tuổi.

2. Chọn thiết bị và camera:

  • Từ 1-2 camera: nên chọn camera wifi Full HD để công tác thi công nhanh, đơn giản (nên lắp thẻ nhớ tối thiểu 32GB để lưu ít nhất 4-5 ngày).
  • Từ 3-4 camera trở lên: nên lắp camera ip có dây loại Full HD để đảm bảo chất lượng hình ảnh ổn định, có hệ thống đầu ghi, ổ cứng để có thể truy xuất lại từ 15-30 ngày.

Ghi chú: ở bước này các nhà dạng chung cư, căn hộ cao cấp có thể lắp kết hợp thêm các hệ thống:

  • Hệ thống chuông cửa có hình (ưu tiên chọn giải pháp của Panasonic để đảm bảo chất lượng).
  • Hệ thống báo động (báo trộm) kết hợp với báo khói (báo cháy) – Lưu ý: có hệ thống ắc quy để lưu điện, phòng khi cúp điện đột xuất.

3. Một số lưu ý khi lắp camera cho chung cư, căn hộ:

  • Trước khi thi công: căn hộ chung cư có đặc điểm tường liền kề và không gian kín nên trước khi triển khai thi công hệ thống an ninh thì gia chủ nên có sự báo trước hoặc xin phép ban quản lý chung cư để xác định thời gian triển khai lắp đặt (vì khi thi công camera có thể sẽ khoan tường gây ồn căn hộ chung cư kề bên).
  • Tránh đụng chạm với hệ thống điện, nước hiện hữu: vì chung cư, căn hộ sẽ có hệ thống dây điện âm tường khá dày đặc nên để đảm bảo an toàn thì gia chủ nên chọn đơn vị lắp đặt camera tại nhà có uy tín để khảo sát tại nhà hoặc tư vấn cụ thể trước khi lắp đặt.
  • Hỗ trợ ra/vào: một số tình huống thì đội thi công cần sự cho phép ra vào của ban quản lý chung cư (cần có sự hỗ trợ của chủ nhà).
  • Ngoài ra, trước khi quyết định lắp camera thì gia chủ cần đảm bảo nhà mình đã có mạng internet ổn định (để có thể xem camera từ xa).

Lưu ý:

Khi thi công camera cho căn hộ, chung cư thì chủ nhà cần cử người có quyền quyết định để giám sát và phối hợp chặt chẽ với đội thi công để:

  • Thống nhất phương án đi dây, đi ống, đi âm trần, âm tường.
  • Xác định nơi lắp đặt đầu ghi và màn hình quan sát camera (nên đặt tại vị trí gần modem mạng).
  • Yêu cầu đơn vị thi công camera cài đặt phần mềm xem camera, hướng dẫn xem lại hình ảnh, hướng dẫn tự đổi password của hệ thống camera.

4. Những yếu tố không quan trọng:

  • Yếu tố khoảng cách hồng ngoại không quan trọng lắm vì không gian chung cư thường nhỏ, hẹp (camera thông thường ít nhất hồng ngoại 10-15m nên đã đảm bảo về vấn đề ánh sáng hồng ngoại).
  • Không cần loại camera chống ngược sáng đắt tiền vì chung cư thường có ánh sáng tương đối dịu, không trực tiếp bị mặt trời chói vào (trừ trường hợp khách hàng cần quan sát cửa sổ chung cư).

 

Kinh nghiệm lắp đặt camera wifi trong ngôi nhà

Hệ thống camera wifi có nhiều nhược điểm (do sự thiếu ổn định và phụ thuộc sóng wifi không dây, dễ bị hacker xâm nhập, tuổi thọ thấp, thời gian lưu trữ rất thấp…). Tuy nhiên trong một số tình huống bắt buộc phải lắp camera wifi thì chúng tôi xin chia sẻ:

Một số kinh nghiệm khi lựa chọn & triển khai camera wifi không dây ở nhà:

  • Đảm bảo sự ổn định của hệ thống mạng wifi trước khi tiến hành lắp đặt (đây là yếu tố then chốt). Nếu mạng wifi yếu, không ổn định thì khách hàng nên cân nhắc lắp camera có dây để đảm bảo tín hiệu ổn định.
  • Dù là camera wifi không dây nhưng tại vị trí lắp phải đi dây nguồn cho camera (nếu vị trí đó không có sẵn nguồn thì bắt buộc phải đi dây nguồn 220V cho camera wifi).
  • Hạn chế sử dụng chức năng xoay 360 độ của camera wifi một cách thường xuyên (dễ hay hư hỏng mô-tơ bên trong).
  • Chức năng âm thanh 2 chiều: âm thanh sẽ không rõ nếu như có tiếng ồn (do không có bộ lọc tạp âm bên trong). Nếu cần lắp camera nghe âm thanh rõ nên cân nhắc lắp camera loại có dây hoặc kết hợp thêm 1 mic thu âm chuyên dụng cho camera ip.
  • Khoảng cách từ camera đến bộ phát sóng wifi: nên từ 3-6 mét để đảm bảo sóng wifi luôn ổn định.
  • Giá thành: nên chọn các dòng camera có chất lượng, tầm giá từ 1,5tr – 3trđ/chiếc.

 

Chọn phân khúc giá để lắp camera cho nhà:

Mua camera wifi chất lượng cao trong nhà: https://dntech.vn/camera-wifi-ezviz-112-11.html

Thị trường camera tại Việt Nam khá sôi động do đã phát triển khá lâu và đặc biệt có sự tham gia của các thương hiệu camera.

Tuy nhiên xét về tổng quan thì thị trường camera có 03 phân khúc giá:

1. Phân khúc cao cấp:

Là phân khúc camera các thương hiệu rất lớn như BOSS, PANASONIC, AXIS, AVIGILON, SAMSUNG… Với tầm giá dao động từ 12.000.000 – 15.000.000 đ/chiếc (đã bao gồm hệ thống đầu ghi, ổ cứng lưu trữ). Phân khúc này thường phục vụ có các công ty có yêu cầu nghiêm ngặt về an ninh như: ngân hàng, sân bay, quốc phòng….

2. Phân khúc tầm trung:

Đây là camera của các hãng nổi tiếng, phục vụ ở mảng công ty và gia đình.

Ví dụ như camera thương hiệu Ezviz, Imou, Hikvision, KBVision, Dahua, UNV…

Tầm giá:

  • Camera wifi: Từ 500.000 - 2.500.000 đ/ chiếc.
  • Camera IP: Từ 1.500.000 – 3.000.000 đ/chiếc.
  • Camera Analog: Từ 1.700.000 – 3.500.000 đ/chiếc.

3. Phân khúc giá rẻ:

Là phân khúc hàng có chất lượng thấp, chất lượng kém, hàng OEM không có đầy đủ các chứng nhận Co, Cq...Khuyến nghị không nên sử dụng các dòng sản phẩm này vì hệ luỵ không tốt về sau.


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
test
Tin đọc nhiều

Nhà sản xuất

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây